Nhập cảnh một ngày, được mua nhà
( 20-07-2015 - 09:49 AM ) - Lượt xem: 3420
Theo quy định của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1-7, Việt kiều và người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam chỉ cần có visa nhập cảnh hợp pháp.
Cần hỗ trợ thủ tục mua nhà đơn giản nhằm tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài nhanh chóng định cư tại Việt Nam.
Đó là mong muốn của ông Yoshida, Trưởng đại diện Văn phòng Tập đoàn Kitakei tại Việt Nam, cũng như nhiều Việt kiều, người nước ngoài có mặt tại hội thảo góp ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) do Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 17-7.
Chỉ được gia hạn thời hạn sở hữu nhà một lần
Ông Yoshida cho biết ông và nhiều người Nhật Bản đang và sắp tới sẽ làm việc tại Việt Nam đều muốn được mua nhà tại đây, thậm chí định cư lâu dài.
“Nhưng tôi vẫn rất băn khoăn về điều kiện để được mua nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài. Chẳng hạn như visa được cấp là loại visa nào và thời hạn bao lâu; hay tôi nhập cảnh ở một ngày có được mua nhà tại Việt Nam hay không?” - ông thắc mắc.
Trả lời thắc mắc trên, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết theo quy định của Luật Nhà ở, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Namchỉ cần là đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam (có visa nhập cảnh hợp pháp). Đối với doanh nghiệp, quỹ đầu tư và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đang hoạt động tại Việt Nam, có giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thành lập chi nhánh và văn phòng hợp pháp.
“Đối với cá nhân nước ngoài thìchỉ cần có visa nhập cảnh, bản tự cam kết không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao. Visa cấp một ngày cũng được mua nhà tại Việt Nam” - ông Ninh khẳng định.
Một khúc mắc khác mà nhiều người nước ngoài đặt ra là thời hạn sở hữu nhà ở. Cụ thể, theo Luật Nhà ở, thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam thì bên mua chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại. Khi hết thời hạn sở hữu còn lại mà chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước gia hạn.
Ông Trương Anh Tú, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Sacomreal, nói: “Nhiều người nước ngoài thường đặt câu hỏi về trường hợp người nước ngoài khi gia hạn thêm thì có thể chuyển nhượng cho người khác được không, nếu được thì gia hạn mấy lần và cần đóng tiền gì nữa không?”.
Đối với vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Ninh cho rằng trước khi hết hạn, chủ sở hữu nếu có nhu cầu thì nộp đơn xin được gia hạn hoặc chuyển nhượng cho người khác. Đối tượng được chuyển nhượng phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu người được chuyển nhượng là người Việt Nam, Việt kiều thì được ổn định lâu dài, còn người nước ngoài chỉ được sở hữu trong thời hạn còn lại, tức chỉ được gia hạn tối đa một lần kể từ ngày hết hạn giấy chứng nhận sở hữu lần đầu.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận xét rằng quy định này chưa hợp lý. Do vậy, ông Châu đề nghị: “Nên cho phép bên mua cũng được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa không quá 50 năm, sau khi hết thời hạn này thì mới phải xin gia hạn”.
Hợp đồng tiếng Anh không có tính pháp lý
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng cần có hợp đồng mẫu bằng tiếng Anh, vì quy định đã cho giao dịch với người nước ngoài thì nên thống nhất trước.
Giải thích về vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, nói: Vì hợp đồng liên quan đến đất đai, liên quan đến quyền sở hữu làm giấy tờ, sổ đỏ, hơn nữa hoạt động mua bán này lại diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam nên chưa thể làm hợp đồng bằng tiếng Anh được.
“Còn các bên muốn làm một bản tiếng Anh thì cứ tự làm nhưng về mặt pháp lý làm thủ tục sổ đỏ, để nộp thuế thì phải bằng tiếng Việt” - ông Phấn nói.
Về quy định số lượng nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu quy định trong dự thảo nghị định, ông Yoshida, Trưởng đại diện văn phòng Tập đoàn Kitakei, nhận xét là còn thấp. Theo ý kiến của ông, Việt Nam nên nâng mức người nước ngoài được mua và sở hữu nhà không quá 30% căn hộ trong một tòa nhà chung cư lên 40%-50%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cũng cho rằng quy định số nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu không quá 10% tổng số nhà riêng lẻ của mỗi dự án; trường hợp trong một dự án hoặc một số dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ là 2.500 căn (tương đương quy mô cấp phường) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 250 căn là không phù hợp.
“Do vậy, hiệp hội đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Chẳng hạn có thể giao quyền cho UBND cấp tỉnh, thành trong việc xem xét quyết định về vấn đề trên cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là ở các đô thị tập trung đông người nước ngoài” - ông Châu nhấn mạnh.
Không nên chung chung
Dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở quy định, trường hợp là người gốc Việt Nam phải có hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Nhưng để thuận lợi cho người gốc Việt Nam làm thủ tục cần phải làm rõ cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là cơ quan nào chứ không nên chung chung.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)
Pháp Luật TPHCM